PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI THEO CÔNG ƯỚC NEW YORK 1958

*TS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆN – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại Phía Nam

1. Phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York 1958 và thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia

Khái niệm “phán quyết trọng tài nước ngoài” là khái niệm trung tâm, đóng vai trò cốt yếu cho toàn bộ quy trình công nhận và cho thi hành. Khi và chỉ khi xác định chính xác thế nào là một phán quyết trọng tài nước ngoài thì quy trình công nhận và cho thi hành mới có thể diễn ra đúng đắn. Chính vì lẽ đó, mà ngay từ những câu từ đầu tiên Công ước New York 1958 (Công ước) đã dự liệu về khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài (foreign arbitral award). Điều I(1) Công ước có nêu ra hai yếu tố để xác nhận một phán quyết trọng tài có phải là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không, đó là yếu tố chính yếu và yếu tố thứ yếu.

1.1 Yếu tố chính yếuphán quyết được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài nếu phán quyết này được tuyên tại lãnh thổ của một quốc gia khác với quốc gia nơi mà việc yêu cầu công nhận và cho thi hành phán được tiến hành. (This Convention shall apply to the recognition and enforcement of arbitral awards made in the territory of a State other than the State where the recognition and enforcement of such awards are sought).

Gọi là yếu tố chính yếu vì đây là yếu tố có tính căn bản, nền tảng mà các quốc gia thành viên khi xây dựng những quy định pháp luật nội địa của mình phải tuyệt đối tuân thủ. Có thể thấy rằng, yếu tố chính yếu để Công ước New York xem một phán quyết trọng tài nước có thể thuộc đối tượng điều chỉnh của mình hay không chính là nguyên tắc lãnh thổ (principle of territory hay territorial approach). Nói khác đi, yếu tố lãnh thổ có vai trò quyết định lên tính nước ngoài của một phán quyết trọng tài[1]. Bất kỳ phán quyết nào được tuyên tại một quốc gia khác với quốc gia của tòa án công nhận và cho thi hành đều có thể thuộc phạm vi của Công ước, nghĩa là “phán quyết trọng tài nước ngoài”, bất kể là nước nơi phán quyết trọng tài được tuyên có phải là thành viên công ước hay không[2]. Vì vậy, quốc tịch, nơi thường trú hoặc nơi cư trú, trụ sở của các bên không liên quan đến việc xác định liệu một phán quyết có phải là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không[3]. Ví dụ, trọng tài ICC tuyên phán quyết tại Paris nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai doanh nghiệp của Anh thì phán quyết này là phán quyết trọng tài nước ngoài[4].

Tuy nhiên, có một vấn đề cần bàn là “địa điểm trọng tài” (seat of arbitration) là địa điểm do các bên thỏa thuận (ngay trong thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận bổ sung) hay là địa điểm nơi trọng tài thực chất giải quyết vụ việc, tuyên phán quyết? Trong một phán quyết của tòa án Thụy Điển[5], tòa này phán rằng một phán quyết trọng tài do trọng tài ICC thụ lý nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai công ty (một của Pháp và một của Hoa Kỳ), địa điểm trọng tài do các bên thỏa thuận là Stockholm, nhưng quy trình giải quyết trên thực tế lại diễn ra ở Paris và London, sẽ phải được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài, và do đó tòa án Thụy Điển đã từ chối yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vừa nêu. Quyết định này của tòa án Thụy Điển đi ngược lại tinh thần và truyền thống thân thiện với trọng tài của Thụy Điển nên đã vấp phải sự phê bình mạnh mẽ của các trọng tài viên hàng đầu của Thụy Điển cũng như của cộng đồng trọng tài thương mại quốc tế. Vì vốn dĩ, quyết định của tòa đã đi trái lại nguyên tắc thượng tôn sự thỏa thuận của các bên về địa điểm trọng tài, bất kể là quy trình tố tụng trọng tài, tuyên phán quyết diễn ra ở đâu[6].

1.2 Yếu tố thứ yếu: một phán quyết được tuyên trong lãnh thổ của quốc gia nơi tiến hành việc công nhận và cho thi hành nhưng không được coi là phán quyết trọng tài trong nước thì cũng được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài. (It shall also apply to arbitral awards not considered as domestic awards in the State where their recognition and enforcement are sought).

Yếu tố chính yếu về mặt lãnh thổ, được áp dụng một cách rộng rãi và nhuần nhuyễn trên hầu hết các quốc gia thành viên của Công ước New York[7]. Ngoài ra, Công ước New York còn cho phép các nước thành viên vận dụng thêm yếu tố thứ yếu. Theo đó, một phán quyết được tuyên ngay trên lãnh thổ của nước được yêu cầu công nhận và cho thi hành cũng có thể xem là phán quyết trọng tài nước ngoài nếu phán quyết này không được xem là phán quyết trong nước. Đối với yếu tố chính yếu vốn ưu tiên nguyên tắc lãnh thổ, yếu tố thứ yếu lại tập trung vào tính “không phải trong nước” (non-domestic) của một phán quyết trọng tài.

Nếu như yếu tố chính yếu được quy định một cách rõ ràng và cụ thể thì thứ yếu lại hoàn toàn được Công ước để ngỏ. Việc xác định thế nào là một phán quyết trọng tài không phải trong nước (non-domestic award)[8] sẽ được dành lại cho pháp luật của quốc gia nơi tiến hành công nhận và cho thi hành. Chúng tôi cho rằng, giải pháp này của Công ước New York là vô cùng hợp lý và thuyết phục, bởi các lý do sau đây: (i) mỗi quốc gia có truyền thống và nhận thức pháp luật nói chung, cũng như truyền thống đối với việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài nói riêng, vốn dĩ là khác nhau, nên việc đặt ra một quy trình “chuẩn” cho tất cả các quốc gia thành viên Công ước New York là điều không nên, hay nói đúng hơn là không thể[9]; (ii) xuất phát từ cách thức và thái độ mà một quốc gia thành viên quan niệm về việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại quốc gia mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn của tòa án quốc gia đó về tính “không phải trong nước” của một phán quyết trọng tài. Có thể tham khảo một số ví dụ sau từ thực tiễn của Hoa Kỳ:

Tòa Phúc thẩm Khu vực 2 trong một bản án[10] đã tuyên rằng một phán quyết trọng tài giữa hai bên nước ngoài được thông qua tại New York có thể là phán quyết không phải trong nước. Tòa này phán rằng một phán quyết được xem là không phải trong nước không phải bởi vì được tuyên ở một nước khác, mà là vì phán quyết đó được tuyên trong một quy trình trọng tài mà luật áp dụng cho tố tụng trọng tài là luật của một nước khác (không phải là Hoa Kỳ) hoặc các bên tranh chấp cư trú hoặc có trụ sở kinh doanh tọa lạc bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Quan điểm xét xử của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 2 nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều của cộng đồng trọng tài quốc tế. Cách thức giải thích đối với Công ước New York sẽ dẫn đến sự ủng hộ hay phản đối lập luận của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 2. Luồng quan điểm thứ nhất, căn cứ vào thẩm quyền giải thích Công ước New York theo nghĩa rộng, khẳng định rằng các lập luận của Tòa Phúc thẩm Liên bang là hoàn toàn chính xác vì chính Công ước New York đã trao toàn quyền cho tòa án của các quốc gia trong việc giải thích các điều khoản mà Công ước chưa làm rõ hoặc không đề cập đến[11]. Trái lại, luồng quan điểm thứ hai, dựa vào cách giải thích Công ước New York theo nghĩa hẹp, cho rằng nhận định của Tòa án trong trường hợp này là quá rộng vì thực ra một phán quyết được tuyên trên lãnh thổ của Hoa Kỳ chỉ có thể được coi là phán quyết không phải trong nước khi nào luật áp dụng cho quy trình giải quyết tranh chấp của phán quyết này không phải là luật liên bang hay luật của các tiểu bang tại Hoa Kỳ[12].Trong một phán quyết khác, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 2[13] nhận định rằng một phán quyết giữa hai bên không có quốc tịch Hoa Kỳ, việc thực hiện hợp đồng diễn ra tại Trung Đông (chứ không phải Hoa Kỳ) sẽ được xem là phán quyết không phải trong nước vì luật áp dụng cho quy trình tố tụng trọng tài không phải luật Hoa Kỳ, cho dù phán quyết này được trọng tài thông qua ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tương tự, cũng trong một phán quyết nữa của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 2[14], phán quyết trọng tài được tuyên tại New York sẽ được xem là phán quyết không phải trong nước theo Điều I của Công ước New York nếu tài sản liên quan đến tranh chấp hiện hữu tại Israel, một bên trong tranh chấp cư trú tại Israel và luật Israel được áp dụng cho quy trình tố tụng trọng tài.

Không chỉ các tòa án Hoa Kỳ đồng thuận với cách giải thích Công ước New York theo nghĩa hẹp, tức là xem phán quyết được tuyên tại một nước sẽ có tính chất không phải trong nước nếu luật áp dụng cho quy trình tố tụng trọng tài là luật của nước khác với nước công nhận và cho thi hành, một số nước khác trên thế giới cũng ủng hộ cách giải thích này. Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem là một ví dụ điển hình[15].

Về việc xem thế nào là một phán quyết trọng tài không phải trong nước, như đã trình bày, hoàn toàn phụ thuộc vào quan niệm và truyền thống lập pháp của các quốc gia. Có thể nêu thêm một số ví dụ sinh động như sau[16]:

(i) tòa án Trung Quốc xem một phán quyết do trọng tài ICC tuyên tại Bắc Kinh là phán quyết trọng tài không phải trong nước.

(ii) tòa án Hungary xem một phán quyết trọng tài tuyên trên lãnh thổ Hungary nhưng trung tâm trọng tài được chọn tọa lạc ngoài lãnh thổ Hungary và đa phần các trọng tài viên của hội đồng trọng tài không mang quốc tịch Hungary là phán quyết trọng tài không phải trong nước.

(iii) tòa án Romania xem một phán quyết được tuyên trong lãnh thổ nước mình nhưng có các yếu tố ước ngoài là phán quyết trọng tài không phải trong nước.

(iv) tòa án Uruguay xem một phán quyết được tuyên trong lãnh thổ nước mình nhưng do trọng tài được thành lập theo pháp luật nước ngoài tuyên là phán quyết trọng tài không phải trong nước.

2. Một số đề xuất 

2.1 Phán quyết trọng tài nước ngoài và Phán quyết của trọng tài nước ngoài

Chúng tôi khảo cứu các ngôn ngữ chính thức mà Liên Hiệp Quốc dùng để viết Công ước New York bao gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Trung thì tên gọi của Công ước New York lần lượt được viết là Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards, Convention pour la reconnaissance et l’exécution des sentences arbitrales étrangères, Convención sobre el Reconocimiento y la Ejecución de las Sentencias Arbitrales Extranjeras, Конвенция о признании и приведении в исполнение иностранных арбитражных решений và承认及执行外国仲裁裁决公约. Dịch hoàn toàn sát nghĩa các ngôn ngữ này thì Công ước New York được gọi với một danh xưng duy nhất là “Công ước công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài”. Đi xa hơn một chút, khi phân tích tên gọi bằng tiếng Trung của Công ước thì sẽ là “Thừa nhận cập chấp hành ngoại quốc trọng tài tài quyết công ước”. Việc tất cả các ngôn ngữ chính thức của Công ước New York đều chỉ dùng duy nhất thuật ngữ “phán quyết trọng tài nước ngoài” là quá rõ ràng và không thể phủ nhận.

Tại Việt Nam từ khi gia nhập Công ước New York đến nay, trải qua nhiều văn bản pháp luật từ Pháp lệnh Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài 1995, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, đến Luật Trọng tài thương mại 2010 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đều sử dụng thuật ngữ “phán quyết của trọng tài nước ngoài” thay vì thuật ngữ “phán quyết trọng tài nước ngoài” là điều mà chúng tôi vô cùng trăn trở. Trong bối cảnh pháp luật hiện thời của Việt Nam, để xác định một phán quyết có phải là “phán quyết của trọng tài nước ngoài” hay không thì chỉ có thể căn cứ vào Luật trọng tài thương mại 2010 vì Bộ luật tố tụng dân sự 2015, với tư cách là đạo luật điều chỉnh toàn bộ quy trình công nhận và cho thi hành “phán quyết của trọng tài nước ngoài” ở Việt Nam cũng dẫn chiếu ngược lại các quy định của Luật Trọng tài thương mại (Điều 424(3) Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Điều 3(11) Luật Trọng tài thương mại nói rằng trọng tài nước ngoàilà trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam. Tiếp đến, Điều 3(12) Luật Trọng tài thương mại khẳng định “phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam Tổng hợp hai quy định này, có thể dễ dàng đưa ra kết luận rằng, theo quan niệm của pháp luật Việt Nam hiện thời thì “phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết được tuyên ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam bởi trọng tài nước ngoài (trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài) nhằm giải quyết các tranh chấp. Có hai vấn đề cần làm rõ từ định nghĩa này: trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài và nơi tuyên phán quyết.

(i) Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài

Trong các quyết định của tòa án Việt Nam về việc không công nhận hoặc công nhận và cho thi hành các “phán quyết của trọng tài nước ngoài” mà chúng tôi sưu tầm được thì trọng tài nước ngoài trên thực tế thường là hội đồng trọng tài của các trung tâm trọng tài tọa lạc ở nước ngoài và được thành lập theo pháp luật nước ngoài, cụ thể là trọng tài thuộc Phòng thương mại quốc tế (ICC)[17], Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC)[18], Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông (HKIAC)[19], hoặc các cơ quan trọng tài thuộc những tổ chức nghề nghiệp tọa lạc lạc ở nước ngoài và được thành lập theo pháp luật nước ngoài như Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga[20], Trung tâm Giao dịch hàng hóa Singapore[21], Hiệp hội Bông quốc tế[22]… Có thể tòa án Việt Nam cũng đã xem xét công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận các phán quyết do trọng tài nước ngoài tuyên, nhưng do không thu thập được đầy đủ nội dung của các quyết định này nên chúng tôi chỉ phỏng đoán[23].

(ii) Nơi tuyên phán quyết

Phân tích các quyết định mà chúng tôi có thì hầu hết nơi tuyên phán quyết là ở nước ngoài, duy chỉ có một trường hợp cá biệt là quy trình trọng tài diễn ra ở Việt Nam và trọng tài ICC tuyên phán quyết ngay tại Việt Nam[24].

Vậy, quy định của pháp luật Việt Nam về “phán quyết của trọng tài nước ngoài” có trái với Công ước New York không? Chúng tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng quan niệm của pháp luật Việt Nam về nội hàm của khái niệm “phán quyết của trọng tài nước ngoài” là không hề trái với tinh thần của Công ước New York, vì như đã trình bày:

(i) trọng tài nước ngoài ban hành phán quyết ngoài lãnh thổ Việt Nam thì trường hợp này rơi vào yếu tố chính yếu (tức là áp dụng nguyên tắc lãnh thổ).

(ii) trọng tài nước ngoài ban hành phán quyết trong lãnh thổ Việt Nam thì trường hợp này rơi vào yếu tố thứ yếu (tức là phán quyết được ban hành trên lãnh thổ của nước công nhận và cho thi hành nhưng không phải là phán quyết trong nước).

Từ hai quan niệm này, một cách rõ ràng là dù phán quyết trọng tài được tuyên tại Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần do trọng tài nước ngoài tuyên thì đều được xem là “phán quyết của trọng tài nước ngoài”. Có lẽ là do xuất phát từ hai quan niệm phán quyết do trọng tài nước ngoài tuyên nên luật Việt Nam hơn 20 năm nay, tính từ lúc gia nhập Công ước New York, vẫn dùng duy nhất thuật ngữ “phán quyết của trọng tài nước ngoài” thay vì thuật ngữ phổ biến và được ghi nhận trong các ngôn ngữ chính thức của Công ước New York là “phán quyết trọng tài nước ngoài”. Nội hàm của khái niệm “phán quyết của trọng tài nước ngoài” là hoàn toàn không trái Công ước New York, nhưng ngoại diên của khái niệm, hay chính là tên gọi “phán quyết của trọng tài nước ngoài” là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, và do đó nên được đổi thành “phán quyết trọng tài nước ngoài”.

Mặt khác, các phán quyết do trọng tài Việt Nam, mà điển hình là các hội đồng trọng tài của các trung tâm trọng tài tại Việt Nam, ban hành tại Việt Nam thì trong thực tiễn xét xử được các tòa án Việt Nam xem là phán quyết trọng tài trong nước dù rằng Luật trọng tài thương mại 2010 không định nghĩa thế nào là phán quyết trong nước. Áp dụng nguyên tắc bất di bất dịch của trọng tài thương mại quốc tế là tòa án quốc gia chỉ có quyền công nhận và cho thi hành hay không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài, chứ không có quyền hủy phán quyết trọng tài nước ngoài, bởi lẽ tòa án quốc gia chỉ có thể hủy phán quyết trọng tài trong nước.

2.2 Phán quyết do trọng tài Việt Nam tuyên ở nước ngoài

Thế nhưng, một vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế là liệu rằng một phán quyết trọng tài do trọng tài Việt Nam, điển hình là các hội đồng trọng tài của các trung tâm trọng tài tại Việt Nam, tuyên trên lãnh thổ của một nước khác thì phải được xem là phán quyết gì? Vì Luật trọng tài thương mại 2010 không nói rõ, nên có thể có hai quan niệm trái chiều về vấn đề này:

(i) Nếu căn cứ một cách đơn thuần vào Điều 3(11) và Điều 3(12) Luật trọng tài thương mại thì có thể kết luận ngay rằng đây sẽ là phán quyết trọng tài trong nước vì đơn giản là phán quyết này không do trọng tài nước ngoài tuyên. Nếu theo quan niệm này, thì một phán quyết do trọng tài Việt Nam tuyên tại nước ngoài sẽ là phán quyết trong nước, và do đó có thể bị tòa án Việt Nam hủy. Quy trình hủy đương nhiên phải căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam (tức Luật trọng tài thương mại 2010, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và các văn bản khác có liên quan). Tòa án tại các nước áp dụng nguyên tắc lãnh thổ một cách triệt để, điển hình là Đức, không xem các phán quyết do trọng tài Đức ban hành trên lãnh thổ nước khác là phán quyết trọng tài trong nước, mà đó phải là phán quyết trọng tài nước ngoài[25].

(ii) nếu áp dụng yếu tố chính yếu (tức nguyên tắc lãnh thổ) một cách triệt để, thì phán quyết do trọng tài Việt Nam ban hành ngoài lãnh thổ Việt Nam nên được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài[26]. Một số nước phát triển, ví dụ như Đức, Thụy Sỹ, Áo…, khi đối mặt với các vấn đề pháp lý còn mập mờ và có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, tòa án có thể sẽ áp dụng tinh thần của Công ước New York là pro-recognition và pro-enforcement (tức là ủng hộ việc công nhận và cho thi hành)[27]. Nếu cũng áp dụng tinh thần như Đức, Thụy Sỹ, Áo… thì quan niệm thứ hai sẽ thắng thế hơn, tức là phán quyết do trọng tài Việt Nam ban hành ngoài lãnh thổ Việt Nam nên được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, để tránh cách hiểu mập mờ, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trên thực tế, thiết nghĩ luật Việt Nam nên chế định một cách rõ ràng về trường hợp này. Lại nữa, nếu áp dụng yếu tố lãnh thổ để xác định phán quyết do trọng tài Việt Nam tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài thì càng củng cố cho quan niệm mà chúng tôi đã nêu ra ở trên là khái niệm “phán quyết của trọng tài nước” nên được sửa thành khái niệm “phán quyết trọng tài nước ngoài”, vì rõ ràng là trong trường hợp này phán quyết là do trọng tài Việt Nam tuyên mà vẫn gọi là “của trọng tài nước ngoài” thì không thuyết phục.

3. Kết luận

Khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài đã được dự liệu ngay từ điều khoản đầu tiên của Công ước New York, theo đó một phán quyết trọng tài nước ngoài sẽ bao gồm hai yếu tố là (i) được tuyên tại lãnh thổ của nước khác với nước công nhận và cho thi hành và (ii) tuyên trong lãnh thổ của nước công nhận và cho thi hành nhưng không được xem là phán quyết trọng tài trong nước. Nếu như yếu tố thứ nhất là chính yếu (nguyên tắc lãnh thổ), cụ thể và dễ áp dụng, thì yếu tố thứ hai là tùy thuộc hoàn toàn vào quan niệm lập pháp và thực tiễn xét xử của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, dù áp dụng yếu tố chính yếu hay thứ yếu thì phán quyết trọng tài nằm trong địa hạt điều chỉnh của Công ước New York, qua các ngôn ngữ chính thức của Công ước, đều được gọi bằng khái niệm “phán quyết trọng tài nước ngoài”.

Trong bối cảnh của Việt Nam, hơn 20 năm sau khi gia nhập Công ước New York, luật thực định và thực tiễn xét xử của tòa án đều sử dụng thuật ngữ “phán quyết của trọng tài nước ngoài” thay cho thuật ngữ “phán quyết trọng tài nước ngoài” vốn rất phổ biến trong cộng dồng trọng tài quốc tế cũng như luật thực định của các nước pháp triển. Ngoài ra, việc không có một quy định cụ thể về một phán quyết do trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam tuyên trong lãnh thổ của một nước khác có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất rằng đây sẽ là phán quyết trọng tài nước ngoài hay phán quyết trọng tài trong nước?

Với mong mỏi đề xuất ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, chúng tôi cho rằng khái niệm “phán quyết của trọng tài nước ngoài”  cần được sửa đổi thành “phán quyết trọng tài nước ngoài”. Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định rõ ràng về trạng thái pháp lý của một phán quyết do trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam tuyên trong lãnh thổ của một nước khác, và như đã trình bày, chúng tôi ủng hộ giải pháp xem một phán quyết do trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ban hành trong lãnh thổ của một nước khác là phán quyết trọng tài nước ngoài, vì như vậy sẽ phù hợp và sát với nguyên tắc lãnh thổ của Công ước New York hơn.

Chú thích:

[1] Reinmar Wolff (chủ biên), New York Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards – Commentary, Nxb. C.H.Beck – Hart – Nomos, 2012, tr. 56.

[2] Điều này chỉ bị hạn chế khi nước công nhận và cho thi hành áp dụng bảo lưu chỉ áp dụng công ước đối với các quốc gia thành viên của chính Công ước, xem: Jan van den Berg, The New York Arbtration Convention 1958, Nxb. Kluwer Law and Taxation, 1981, tr. 12. Ví dụ, tòa án Đức xem một phán quyết trọng tài được tuyên ngoài lãnh thổ của Đức là phán quyết trọng tài nước ngoài, bất kể là phán quyết này được tuyên trên lãnh thổ quốc gia nào.

[3] International Council for Commercial Arbitration, ICCA’s Guide to the Interpretation of the 1958 New York Convention: A Handbook for Judges, tr. 21.

[4] Hiscox v. Outhwaite, [1991] 3. W.L.R. 297, 300 – 307.

[5] The Titan Corp. v. Alcatel CIT SA, RH 2005, 1 (T 1038-05).

[6] Shaughnessy và Söderlund, “Decision by the Svea Court of Appeal in Sweden Rendered in 2005 in Case No. T 1038-05”, Stockholm International Arbitration Review, 2(2005), tr. 273.

[7] Cụ thể là Úc, Trung Quốc, Croatia, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp… xem George A. Bermann, Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards The Interpretation and Application of the New York Convention by National Courts, Nxb. Spinger, 2017, tr. 13.

[8] Poudret/Besson, Comparative Law of International Arbitration (2nd Ed.) (Berti/Ponti dịch), Nxb. Sweet & Maxwell – Schulthess, 2007, tr. 91.

[9] Quy trình chuẩn mà Công ước New York hướng tới chỉ có thể là các khái niệm, tinh thần căn bản được trình bày trong chính các câu từ của bản thân Công ước.

[10] Bergesen v. Joseph Muller Corporation, 710 F.2d 928 (1983).

[11] Feldman, An Award Made in New York Can Be a Foreign Arbitral Award, Arbitration Journal, Vol.39, 1/1984, tr. 14, 15.

[12] Van den Berg, When is an arbitral award non-domestic under the New York Convention of 1958?, Pace Law Review, Vol. 6, 1985, tr. 64, 65.

[13] Yusuf Ahmed Alghanim & Sons, W.L.L v. Toys “R” US, Inc, 126 F.2d 15(25) (1997).

[14] Zeiler v. Deitsch, 500 F.3d 157 (164) (2007).

[15] Esin/Yesilirmak, Arbitration in Turkey, Kluwer Law International, 2015, tr. 212, 213.

[16] George A. Bermann, tlđd, tr. 14.

[17] Xem Quyết định số 78/QĐ-XĐTT ngày 24/4/2001 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[18] Xem Quyết định số 01/2009/QĐST-KDTM ngày 31/12/2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ; Quyết định 155/2013/QĐKDTM-ST ngày 12/3/2013 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[19] Xem Quyết định số 01/QĐ ngày 21/9/2001 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.

[20] Xem Quyết định số 59/KTPT ngày 4/6/1998 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

[21] Xem Quyết định số 640/2007/QĐKDTM-ST ngày 23/4/2007 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[22] Xem Quyết định 177/QĐST-KDTM ngày 5/3/2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[23] Xem Quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài Geneva (Thụy Sỹ), và Quyết định số 02/PTDS ngày 21/2/2003 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài bang Queensland (Úc).

[24] Quyết định 01/CNTTNN ngày 14/4/2005 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, và Quyết định số 142/2005/QĐTT ngày 12/7/2005 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

[25] Thực ra, trước đây luật Đức từng quan niệm rằng một phán quyết trọng tài được ban hành ngoài lãnh thổ Đức nhưng luật áp dụng cho quy trình tố tụng trọng tài là luật Đức thì phán quyết đó cũng có thể xem là phán quyết trọng tài trong nước. Thế nhưng, hiện nay luật Đức đã hoàn toàn đoạn tuyệt với quan niệm này.

[26] Về các chuyên khảo đồng ý kiến với quan niệm này, xem: Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 420 – 421; Đỗ Hải Hà, Bàn về khái niệm quyết định của trọng tài nước ngoài theo Bộ luật dân sự 2004, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 5/2007, tr. 41 – 44;

[27] Reinmar Wolff (chủ biên), tlđd, tr. 30.

SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN ĐIỆN TỬ

https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2018/02/02/02-5/