Thỏa thuận trọng tài không rõ ràng theo quy định tại Khoản 5 Điều 43 Luật trọng tài thương mại 2010.
Điều 43 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”.
Theo quy định này thỏa thuận Hợp đồng giữa các bên trong vụ việc không chỉ rõ một tổ chức trọng tài cụ thể nào hoặc hình thức trọng tài xác định nào vì vậy nếu có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức và tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp, trường hợp không thỏa thuận được thì hình thức và tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp sẽ thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nào giải thích như thế nào là không thỏa thuận được, điều này vô hình chung đã gây ra những sự khó hiểu và những ý kiến khác nhau trong cách giải thích cũng như áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm Trọng tài thương mại.
Thực tế, tại Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC) cũng gặp phải trường hợp tương tự và trong quá trình giải quyết đã có những ý kiến trái chiều về quy định này, cụ thể có 2 luồng quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, quy định trên bị dư thừa bởi thực tế cho thấy rằng, các bên không chỉ rõ một tổ chức trọng tài nào xác định và một khi có tranh chấp xảy ra tức là không còn có thể cùng nhau ngồi lại giải quyết được họ mới dùng con đường tố tụng trọng tài hoặc tòa án để giải quyết. Vì vậy, việc ngồi lại để thỏa thuận lựa chọn một trung tâm trọng tài cụ thể là điều rất khó thực hiện, hơn nữa trường hợp nếu một bên cố tình trốn tránh thì việc thỏa thuận này dường như là vô nghĩa. Do đó, người theo quan điểm này cho rằng, có tồn tại thỏa thuận này hay không không quan trọng, mà chỉ căn cứ vào sự lựa chọn của Nguyên đơn là đủ để làm căn cứ xác định Trung tâm cụ thể nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định trên nghĩa là các bên có thỏa thuận về việc lựa chọn trung tâm trọng tài cụ thể và nếu không thỏa thuận được thì mới theo lựa chọn của bên Nguyên đơn. Và việc không thỏa thuận được có thể hiểu là bên Nguyên đơn đã gửi văn bản thể hiện sự lựa chọn một trung tâm trọng tài cụ thể đến đúng địa chỉ trên hợp đồng cho bên Bị đơn hoặc bằng một hành vi cụ thể thể hiện việc lựa chọn này và trong một khoảng thời gian cụ thể mà bên Bị đơn không có phản hồi lại bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể về việc lựa chọn trung tâm trọng tài thì quyền lựa chọn hoàn toàn thuộc về Nguyên đơn.
Nhận thấy, dù là quan điểm nào thì vẫn cần một văn bản pháp luật cụ thể hướng dẫn, bởi các trường hợp thỏa thuận không rõ ràng theo quy định này hiện nay là khá nhiều. Nhất là khi mà tố tụng trọng tài hiện nay ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến và chưa được biết đến nhiều. Những quy định như Khoản 5 Điều 43 của Luật trọng tài thương mại 2010 gây khó khăn cho các Trung tâm trọng tài trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Do đó, trong tương lai gần các nhà làm luật cần xem xét điều chỉnh quy định này cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc có những quy định để giải thích những quy định gây tranh cãi như trên.