ƯU ĐIỂM KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI THÔNG QUA CON ĐƯỜNG TRỌNG TÀI
Khi tranh chấp thương mại xảy ra, các bên có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc tại Trung tâm trọng tài thương mại (Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp). Theo Khoản 1 điều 3 Luật Trung tâm trọng tài thương mại thì “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”. Nhìn chung, có thể hiểu Trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp phi chính phủ, thông qua hoạt động của các trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập, được các bên có tranh chấp tin tưởng lựa chọn.Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có những ưu điểm nhất định so với các phương thức khác thông qua Tòa án. Nó vừa mang tính tự do thỏa thuận của các bên nhưng vẫn đảm bảo tính bắt buộc cưỡng chế cho việc thi hành phán quyết trọng tài.
Thứ nhất: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại đảm bảo được bí mật kinh doanh và uy tín nghề nghiệp của các bên tranh chấp. Theo điều 4 Luật Trung tâm trọng tài thương mại 2010 giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây là một ưu thế so với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án trong trường hợp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại đầy nhạy cảm.
Thứ hai: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng linh hoạt mềm dẻo. Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đơn giản, chủ yếu dựa trên thỏa thuận của các bên, và tôn trọng sự thỏa thuận này. Các bên đương sự có thể thỏa thuận về: Ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, nơi giải quyết tranh chấp, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài các bên có thể chọn luật áp dụng được quy định cụ thể tại các Điều 10, Điều 11, Điều 14 của Luật này.
Thứ ba: Phán quyết về tranh chấp thương mại của trọng tài thương mại sẽ được xét xử ở một cấp duy nhất, phán quyết của trọng tài có hiệu lực như bản án của Tòa án và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Phán quyết đưa ra các bên không thể chống án hay kháng án.
Thứ tư: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại giúp duy trì mối quan hệ giữa các bên. Trước khi tranh chấp thương mại được đưa ra giải quyết bằng trọng tài, các bên cùng nhau thương lượng thỏa thuận, nêu ý chí nguyện vọng của mình, từ đó xây dựng những thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đôi bên trong quá trình tố tụng trọng tài.
Thứ năm: Phán quyết về tranh chấp thương mại thông qua con đường trọng tài sẽ được công nhận quốc tế. Thông qua các công ước quốc tế các quyết định của trọng tài sẽ được công nhận và thi hành tại các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của công ước.
Tóm lại, Luật Trọng tài Thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có những ưu điểm nhất định so với các phương thức khác như thương lượng hòa giải, Tòa án. Vừa mang tính tự do, tự định đoạt, vừa có chức năng duy trì các mối quan hệ của các bên, hơn nữa nó vẫn đảm bảo tính bắt buộc cưỡng chế cho việc thi hành phán quyết trọng tài.