Bàn về thẩm quyền của trọng tài Thương mại

BÀN VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CỦA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Với tính chất là một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, trọng tài thương mại sẽ có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp phát sinh nếu các bên có thỏa thuận trọng tài và tranh chấp đó thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại.   

Một nghiên cứu khẳng định “Tất cả các hệ thống đặt ra những giới hạn cho những gì có thể được giải quyết bằng Trọng tài[1]. Về cách thức đưa ra các giới hạn, pháp luật Việt Nam theo hướng liệt kê những loại tranh chấp có thể được giải quyết bằng Trọng tài và do đó những loại tranh chấp không được liệt kê được hiểu là không được giải quyết bằng Trọng tài. Cùng với thời gian, loại tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài được mở rộng ở nước ta[2]. Nếu Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 là văn bản pháp luật đầu tiên của pháp luật Việt Nam đưa ra một khái niệm tương đối đầy đủ về trọng tài thương mại, theo đó thuật ngữ “thương mại” được giải thích như sau: “Hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li – xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật[3] thì Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định rõ ba nhóm vụ việc về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại[4], cụ thể:

Thứ nhất, tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

Tranh chấp này đòi hỏi các bên trong tranh chấp đều phải có hoạt động thương mại, Luật Trọng tài Thương mại 2010 không định nghĩa khái niệm hoạt động thương mại, mà sử dụng khái niệm hoạt động thương mại tại Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định:Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Chủ thể tiến hành hoạt động thương mại trước hết là thương nhân, bao gồm thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Thương nhân Việt Nam là Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”[5]Còn “Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận”[6].

Bên cạnh hoạt động thương mại của thương nhân, hoạt động của các cá nhân dưới hình thức tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” cũng được xem là hoạt động thương mại.

Thứ hai, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

Với quy định này, chỉ cần một bên trong tranh chấp có hoạt động thương mại, bên còn lại có thể tham gia quan hệ với các mục đích phi lợi nhuận như tiêu dùng, nhu cầu cá nhân,… Quy định này mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nên trong thực tế các tranh chấp giữa một bên là thương nhân và bên kia không phải là thương nhân đã không được trọng tài giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003.

Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp mà trong đó chỉ cần 1 bên tranh chấp là thương nhân (thực hiện hoạt động thương mại) còn các bên còn lại có thể không phải là thương nhân, cũng không phải là cá nhân thực hiện hoạt động thương mại. Đối với quy định khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, dù quan hệ tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại của cả hai bên, nhưng trong quan hệ tranh chấp có một bên hoạt động thương mại và hành vi trong giao dịch của chủ thể này là hành vi thương mại hoặc tranh chấp đó có liên quan đến hoạt động thương mại của họ thì mới thuộc thẩm quyền của trọng tài, phù hợp với tên gọi là “Luật Trọng tài thương mại”[7].

Như vậy, tranh chấp giữa một thương nhân và các cá nhân, tổ chức không kinh doanh (có thể bao gồm cả các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) cũng có thể được giải quyết bởi trọng tài thương mại. Trong quan hệ với các bên có hoạt động thương mại thì các bên này có thể đóng vai trò là người tiêu dùng. Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tuy không thuần túy là tranh chấp kinh doanh thương mại song nó vẫn thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại nếu các bên có thỏa thuận trọng tài[8]. Nhưng vấn đề ở đây là sẽ không có người tiêu dùng nào kiểm tra xem hợp đồng theo mẫu có ghi nhận điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay không và cũng rất hiếm có một nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nào đưa trọng tài vào điều khoản giải quyết tranh chấp. Hơn nữa hình thức thông báo cũng không được quy định, thực tế cho thấy, không có một cơ quan quản lý nhà nước tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nếu họ không thực hiện trách nhiệm thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng với người tiêu dùng. Do đó, có thể nói rằng, quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng bằng trọng tài đã không đạt được tính khả thi trong thực tiễn.

Thứ ba, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài thương mại.

Trong trường hợp này, tiêu chí hoạt động thương mại không còn được đặt ra, mà chỉ cần trong pháp luật chuyên ngành có quy định tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài thương mại. Ví dụ: Trọng tài thương mại có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty, như theo quy định tại “Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết đã được thông qua thì nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực thi hành[9].

Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh Trọng tài Thương mại trước đây, nhưng Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 vẫn tạo ra những cách hiểu khác nhau về phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Yếu tố “hoạt động thương mại” hướng đến nội dung quan hệ tranh chấp, mà không hướng đến chủ thể quan hệ tranh chấp.

Thực tế cũng cho thấy, Luật Trọng tài Thương mại hiện hành vẫn đang tồn tại những bất cập, hạn chế về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các bên. Bởi vậy, cần phải chủ động mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho phù hợp với thực tế, đảm bảo phán quyết trọng tài có tính khả thi cao trong thời gian tới.

[1] Xem Gary B. Born, International commercial arbitration, Volume II, Nxb.Wolters Kluwer 2009, tr.768.

[2] Xem PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tập 1, tr.30.

[3] Khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003.

[4] Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010.

[5] Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005.

[6] Khoản 1 Điều 16 Luật thương mại 2005.

[7] Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải (2011), Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 43.

[8] Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[9] Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2014