HÌNH THỨC CỦA THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

thoả thuận trọng tài vô hiệu

1. Căn cứ phát sinh thỏa thuận trọng tài:

Khoản 2 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”. Theo đó:

  • Thỏa thuận trọng tài được hình thành dựa trên ý chí tự nguyện của các bên, sự thỏa thuận: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài” (Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010).
  • Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức trọng tài trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp” (Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010).

Theo quy định pháp luật, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng (Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010). Cụ thể:

  • Thỏa thuận trọng tài được quy định cụ thể là một điều khoản trong hợp đồng: quy định rõ việc giải quyết tranh chấp của Hợp đồng sẽ bằng trọng tài thương mại.
  • Thỏa thuận riêng: Các bên kí kết hợp đồng ghi nhận thỏa thuận này trong một văn bản hoàn toàn tách biệt (có thể với tên gọi là thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hợp đồng đã kí trước đó). Hợp đồng không ghi nhận việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thành một điều khoản của hợp đồng.

2. Yêu cầu về hình thức thỏa thuận trọng tài:

Thoả thuận trọng tài chỉ có giá trị khi được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

  • Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
  • Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
  • Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

3. Những lưu ý về hình thức thỏa thuận trọng tài (Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ- HĐTP hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại năm 2010):

  • Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng.
  • Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải thích. 
  • Khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 
  • Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
    • Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện; 
    • Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.