Phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là một phương thức không quá mới tại Việt Nam, với những ưu thế của mình, phương thức này ngày càng được nhiều người tin tưởng lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Để một tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài điều kiện tiên quyết và bắt buộc là phải có thỏa thuận trọng tài giữa các bên. Thỏa thuận này có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp và bắt buộc phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định.
Theo khoản 1 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thỏa thuận trọng tài được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hay thỏa thuận riêng. Như vậy, theo quy định này, thỏa thuận trọng tài không bắt buộc phải là một điều khoản tồn tại trong hợp đồng, nó có thể nằm ngoài hợp đồng miễn sao nó thể hiện được ý chí mong muốn chọn Trọng tài của các bên. Quy định như trên là hợp lý, vì theo khoản 2 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 ghi nhận có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài sau khi tranh chấp đã phát sinh, có nghĩa lúc này khi thỏa thuận chọn trọng tài thì hợp đồng đã tồn tại, và Luật gián tiếp cho phép thỏa thuận Trọng tài có thể không nằm trong hợp đồng, quy định hình thức như vậy giúp cho các điều khoản không bị mâu thuẫn với nhau. Bên cạnh đó, trong thực tiễn không ít các hợp đồng thường quy định rất sơ xài về điều khoản giải quyết tranh chấp, quy định về hình thức như trên cũng nhằm khắc phục những thiếu xót của các bên trong quá trình soạn thảo hợp đồng.
Thỏa thuận Trọng tài là ý chí của các bên, và chỉ được công nhận khi thể hiện ra bên ngoài với một dạng thức nhất định đó là văn bản. Theo khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thỏa thuận trọng tài bắt buộc phải được xác lập dưới dạng văn bản. Hình thức này đã được quy định từ Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 và được duy trì đến hiện nay. Tuy nhiên, so với Pháp lệnh trọng tài, ngày nay các hình thức thỏa thuận được coi là văn bản ngày càng mở rộng hơn, theo đó thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật hay thỏa thuận được xác lập qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như trong hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu khác; qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận thì cũng được xem là thỏa thuận được xác lập dưới hình thức văn bản.
Việc mở rộng hình thức văn bản được mở rộng như trên là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội ngày nay khi mà công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các hình thức thỏa thuận, giao kết hợp đồng ngày càng đa dạng hơn và các tranh chấp diễn ra ngày càng phức tạp.