Với những ưu điểm của Trọng tài Thương mại là tính bảo mật, giải quyết nhanh chóng, và phán quyết của Trọng tài Thương mại có tính chung thẩm thì giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài Thương mại là sự lựa chọn của các bên. Việc thỏa thuận chọn Trọng tài Thương mại giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết để phát sinh thẩm quyền giải quyết của Trọng tài Thương mại.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 thì:“Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”.
Thỏa thuận là đi tới sự đồng ý sau khi cân nhắc, thảo luận. Thỏa thuận trọng tài là các bên đồng ý đưa tất cả hoặc một số tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh từ giao dịch thương mại có khả năng được áp dụng trọng tài ra giải quyết bằng con đường trọng tài.
Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để phát sinh thẩm quyền giải quyết của Trọng tài Thương mại. Tức là Trọng tài Thương mại chỉ có thẩm quyền xét xử khi các bên tranh chấp có sự thỏa thuận chọn Trọng tài Thương mại để giải quyết tranh chấp.
Theo quy đinh của pháp luật, thỏa thuận trọng tài cần có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài phải là một thỏa thuận tức là sự thể hiện thống nhất ý chí của các bên về việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại.
Thứ hai, về hình thức thể hiện, thỏa thuận trọng tài hầu hết được thể hiện bằng văn bản. Với việc thể hiện bằng vản bản nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên trong việc chứng minh có sự thỏa thuận khi tranh chấp, có giá trị như là chứng cứ cho việc xác định ý chí của các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại. Nhưng theo quy định của pháp luật dân sự, các hình thức thể hiện khác như lời nói, hành vi đều có giá trị thể hiện sự thỏa thuận này. Thực tế, việc thỏa thuận bằng lời nói, hành vi ít được các bên lựa chọn vì chứa nhiều rủi ro.
Thứ ba, về cách thỏa thuận Trọng tài Thương mại. Theo quy định của khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 thì thỏa thuận Trọng tài Thương mại có hai cách là thỏa thuận được lập trước khi phát sinh tranh chấp thương mại và sau khi phát sinh tranh chấp thương mại.
Với thỏa thuận được lập trước khi có tranh chấp thương mại là thỏa thuận này được thể hiện dưới dạng một điều khoản của hợp đồng. Điều khoản về thỏa thuận trọng tài được soạn và thống nhất như một phần của hợp đồng, các bên trong hợp đồng thỏa thuận chọn Trọng tài Thương mại giải quyết tranh chấp chứ không phải là Tòa án trước khi có tranh chấp phát sinh. Thực tế, cách này được sử dụng nhiều nhằm giảm thiếu tranh chấp về sau về vấn đề chọn phương thức giải quyết tranh chấp.
Cách thứ hai, thỏa thuận được lập sau khi tranh chấp phát sinh, ít phổ biến hơn. Thường gọi là “thỏa thuận đưa tranh chấp ra Trọng tài”. Thỏa thuận này thường phức tạp hơn điều khoản trọng tài – bởi một khi tranh chấp đã phát sinh, các bên có thể lựa chọn thành viên của hội đồng trọng tài, chỉ rõ tranh chấp và xác đinh các bên muốn giải quyết tranh chấp đó như thế nào.
Ngoài ra, trên thực tế còn có một cách thứ ba, pháp luật về Trọng tài Thương mại Việt Nam chưa quy định, được gọi là “thỏa thuận trọng tài dự kiến”, được phát sinh trong các văn kiện pháp lý quốc tế, như hiệp định đầu tư song phương (BIT) ký kết bởi hai quốc gia. mỗi quốc gia trong hiệp định đồng ý đưa bất cứ tranh chấp nào có thể phát sinh trong tương lai giữa họ và một “nhà đầu tư” ra trọng tài. “Nhà đầu tư” này không phải là một bên trong hiệp định. Thực tế, nhà đầu tư chưa được xác định tại thời điểm hiệp định được ký kết. Khi “thỏa thuận trọng tài dự kiến” nói trên có hiệu lực, nó thiết lập một “đề nghị có tính ràng buộc” bởi quốc gia có liên quan về việc giải quyết bất cứ tranh chấp “đầu tư” nào tại trọng tài. Với điều khoản này, nhà đầu tư được bảo vệ quyền, lợi ích bằng việc chọn trọng tài và lợi thế này đã được nhiều nhà đầu tư nhanh chóng tận dụng trên thực tế.
Thứ tư, về nội dung, thỏa thuận phải đảm bảo về tính rõ ràng, sự chính xác của thỏa thuận trọng tài, nhằm dễ dàng xác định được thẩm quyền xét xử của hội đồng trọng tài cụ thể.
Thứ năm, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực với hợp đồng, dù thỏa thuận được thể hiện dưới một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới hình thức văn bản riêng.
Như vậy, việc thỏa thuận trọng tài thương mại là việc quan trọng và trước tiên để phát sinh thẩm quyền giải quyết của Trọng tài Thương mại.