ĐÔI NÉT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Ngày nay trên cơ sở đề cao sự thỏa thuận của các bên, thì việc giải quyết một tranh chấp thương mại không chỉ dừng lại ở cơ quan tài phán là Tòa án mà còn mở rộng phạm vi khi cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn thủ tục trọng tài – một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.

Vậy thỏa thuận trọng tài là gì, thỏa thuận trọng tài có các hình thức nào?

Thuật ngữ thỏa thuận trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được hiểu là: “Thỏa thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”. Như vậy, có thể hiểu thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận mà theo đó các bên ký kết nhất trí đưa tất cả hoặc một số tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh từ giao dịch thương mại được giải quyết bằng con đường trọng tài.

Về hình thức, theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì thỏa thuận trọng tài có thể xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng nhưng phải được xác lập dưới dạng văn bản. Văn bản ở đây không chỉ giới hạn là văn bản giấy mà còn tồn tại các hình thức khác như telegram, fax, telex, thư điện tử,…

Và trên thực tiễn, nhằm dự liệu tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng thì các bên thường thống nhất một điều khoản trong hợp đồng gọi là điều khoản thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài này cho phép Trọng tài giải quyết các tranh chấp phát sinh có liên quan hoặc từ hợp đồng, mà không phải là Tòa án. Nhưng điều này cũng không loại trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài được lập thành một thỏa thuận riêng, có nghĩa là sau khi tranh chấp xảy ra các bên mới tiến hành lập một thỏa thuận trọng tài yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài.

Như vậy, mặc dù có sự khác nhau về hình thức và thời gian lập nhưng các thỏa thuận trọng tài này vẫn có giá trị như nhau trong quá trình giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, nếu không thuộc các trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu.