HIỆU LỰC CỦA PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

Trong tố tụng trọng tài có một nguyên tắc đặc trưng là xét xử một lần, tố tụng một cấp tức phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và các bên phải thi hành, trừ trường hợp Tòa án tuyên hủy quyết định trọng tài. Do đó, phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng mang tính chung thẩm của hội đồng trọng tài về việc giải quyết tranh chấp.

Và điều này đã được cụ thể hóa tại khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài Thương mại 2010 theo đó phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị.

Đây cũng chính là sự khác biệt điển hình giữa thủ tục Trọng tài và Tòa án, không giống như Tòa án (có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm) nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, đương sự có thể kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Đối với Trọng tài một khi phán quyết trọng tài được đưa ra thì hai bên bắt buộc phải chấp hành. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của tố tụng trọng tài, nhân danh ý chí và quyền định đoạt của các bên đương sự. Các bên đương sự đã tự do lựa chọn và tín nhiệm người phán xử cho mình thì đương nhiên phải tôn trọng quyết định của người đó.

Với nguyên tắc này, giúp cho phán quyết trọng tài được thực thi nhanh chóng trong thực tiễn, tránh được tình trạng bên phải thực hiện nghĩa vụ cố tình dây dưa kéo dài thời gian thi hành đồng thời giúp bên kia có thể sớm khắc phục những thiệt hại về tiền, tài sản do bên vi phạm gây ra.