KHÁI QUÁT VỀ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI

tiêu chuẩn trọng tài viên STAC

Theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 Trung tâm Trọng tài là Trung tâm có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.

1/ Điều kiện thành lập Trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài được thành lập khi có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên quy định tại Điều 20 của Luật Trọng tài thương mại 2010 đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập.

2/ Thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài:

  • Hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm trọng tài gồm:
  • Đơn đề nghị thành lập;
  • Dự thảo điều lệ của Trung tâm trọng tài theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
  • Danh sách các sáng lập viên và các giấy tờ kèm theo chứng minh những người này có đủ điều kiện quy định tại Điều 20 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài và phê chuẩn điều lệ của Trung tâm trọng tài; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3/ Đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài:

Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:

  • Đơn đăng ký hoạt động;
  • Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
  • Bản sao có chứng thực Điều lệ Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh về trụ sở hoạt động của Trung tâm trọng tài.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp.

Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài thực hiện việc công bố thành lập theo quy định tại Điều 26 Luật Trọng tài thương mại và khắc con dấu theo quy định của pháp luật.

Trung tâm trọng tài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.Điều 26. Công bố thành lập Trung tâm trọng tài

4/ Công bố thành lập Trung tâm trọng tài:

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung theo quy định tại Điều 26 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Trung tâm trọng tài phải niêm yết tại trụ sở những nội dung trên và danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài.

5/ Tư cách pháp nhân và cơ cấu của Trung tâm trọng tài

  • Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
  • Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
  • Trung tâm trọng tài được lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
  • Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư ký. Cơ cấu, bộ máy của Trung tâm trọng tài do điều lệ của Trung tâm quy định. Ban điều hành Trung tâm trọng tài gồm có Chủ tịch, một hoặc các Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư ký do Chủ tịch Trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên.
  • Trung tâm trọng tài có danh sách Trọng tài viên.

6/ Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài:

  • Xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật này.
  • Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên, xóa tên Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên của tổ chức mình;
  • Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố;
  • Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài trong những trường hợp quy định tại Luật này;
  • Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật;
  • Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp;
  • Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài;
  • Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên;
  • Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên;
  • Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động;
  • Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7/ Chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài:

Hoạt động của Trung tâm trọng tài chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Các trường hợp được quy định tại điều lệ của Trung tâm trọng tài;
  • Bị thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động.